Tin đồn về Nguyễn Văn Thiệu 16_tấn_vàng_của_Việt_Nam_Cộng_hòa

Từ đầu tháng 4 năm 1975, khi Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn tại vị, một số tờ báo phương Tây đã bắt đầu đăng tải tin về kế hoạch chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài với sự ám chỉ về một âm mưu chiếm đoạt của ông. Báo chí Việt Nam Cộng hòa cũng đưa tin về sự kiện này. Tuy có báo đăng tuyên bố cải chính của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, nhưng sau khi ông Thiệu đã ra đi, ngày 28 tháng 4, báo "Độc Lập" khác của Việt Nam Cộng hòa đăng một bản tin về chuyến ra đi của ông Nguyễn Văn Thiệu với chi tiết: "Tin Reuters ghi nhận liền sau khi đoàn người Nguyễn Văn Thiệu cùng tùy tùng xuống phi cơ và được đưa vào phòng khách danh dự, một số hàng hơn 10 tấn cũng đã được cất xuống theo".[5] Các báo chí viết tường thuật nói ông Thiệu đã bỏ trốn với một số lượng vàng lớn lấy đi từ ngân khố của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.[13].

Dựa trên thông tin đọc từ báo chí nước ngoài, trong hồi ký "Đại thắng mùa xuân", Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng cho rằng Nguyễn Văn Thiệu đã mang 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam[14].

Theo báo Tuổi Trẻ, "có quá ít tài liệu trong nước đề cập một cách chính xác và đầy đủ về chuyện này sau năm 1975", cũng theo tờ báo này, "Trong một cuốn sách khá nổi tiếng[15] đã được tái bản khá nhiều lần trong hơn 20 năm qua (ở Việt Nam), người ta đọc được một đoạn "có vẻ chắc chắn" như sau: "Thiệu và Khiêm đáp máy bay rời Sài Gòn sang Đài Loan, nơi anh ruột của Thiệu đang còn làm đại sứ(tức ông Nguyễn Văn Kiểu). Thiệu mang theo năm vali chứa đầy đôla. Trước đó, Thiệu đã mướn một chiếc máy bay chở hành khách cỡ lớn của Mỹ, đưa khỏi Việt Nam 17 tấn vàng bạc, châu báu, tài sản quý mà gia đình y đã vơ vét được sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống""[5].

Theo Luật sư Lê Quang Định[16], từ sau năm 1975, "rất nhiều ấn phẩm trong nước đã thay nhau đổ tội và kết án ông trong "vụ án" bịa đặt này với những "bằng chứng" chắc chắn như thể chính các tác giả đều tận mắt trông thấy". Mọi nguồn thông tin đều không bênh vực cho ông Thiệu, ông ra đi mang theo một cái án là kẻ ăn cắp tài sản quốc gia.

Trong nhiều năm sau chiến tranh, những người biết rõ số phận của 16 tấn vàng tại các cơ quan chức năng nhà nước đã không quan tâm đến việc đính chính tin đồn. Sau này, thông tin cải chính được phổ biến rộng rãi qua loạt phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ. Khi được hỏi tại sao lâu nay Nhà nước Việt Nam không đính chính, ông Lữ Minh Châu, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trả lời: "Mình biết rất rõ là số vàng đó vẫn còn, đã được kiểm kê cẩn thận và đưa vào tài sản quốc gia, nhưng không đính chính vì đó là tin đồn đăng trên báo chí, có ai đặt câu hỏi chính thức với Nhà nước đâu".[17]

Thực tế, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chưa hề đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào cáo buộc Nguyễn Văn Thiệu chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài. Tất cả những tin đồn về Nguyễn Văn Thiệu và 16 tấn vàng đều xuất phát từ báo chí quốc tế và từ các binh lính, sĩ quan, công chức Việt Nam Cộng hòa bất mãn với ông Thiệu.

Giải đáp

Sau hơn 30 năm, tháng 12 năm 2005 hồ sơ mật được phép giải mã, chính phủ Anh công bố Hồ sơ Bộ Ngoại giao trong đó có phần nói về chuyện vị lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng hoà chuyển sang sống tại khu ngoại ô của Luân Đôn như thế nào. Tuy nhiên, hồ sơ này không nói đến số vàng nào được ông Thiệu mang tới Anh.[13]

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 29 Tháng 12 năm 2005[13], Cựu Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng nói rằng số tiền vàng này chưa mang ra khỏi Việt Nam, nhưng ông không phải là nhân chứng của vụ việc nên không rõ chi tiết. Nhiều người đặt câu hỏi về việc ông Thiệu có mang vàng ra ngoài hay không và nếu không thì số vàng giờ ở đâu.[5]

Trong loạt phóng sự điều tra được đăng từ ngày 26 tháng 04 năm 2006, báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn các nhân chứng trực tiếp liên quan đến 16 tấn vàng, làm rõ rằng cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu chưa mang số vàng này ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông đã qua đời từ trước đó, vào năm 2001.

Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người giữ chìa khóa kho vàng và là thành viên ban lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia thời điểm tháng 4 năm 1975, thì số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách tới từng chi tiết nhỏ.[12]

Về việc giải đáp tin đồn Nguyễn Văn Thiệu chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài, Luật sư Lê Công Định viết: " Tìm ra tận cùng của sự thật, báo Tuổi Trẻ đã làm được một việc thiện xét từ góc độ lương tri".[16][18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: 16_tấn_vàng_của_Việt_Nam_Cộng_hòa http://web.archive.org/web/20060504001801/http://w... http://web.archive.org/web/20060506042337/http://w... http://web.archive.org/web/20060512014512/http://w... http://web.archive.org/web/20060519031643/http://w... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2005... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006... http://www.centralbank.vn/vn/home/tinthoibao.jsp?t... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic...